You are currently viewing NHÀ HÀNG VIỆT NAM MANG PHONG CÁCH HOÀN TOÀN KHÁC TRONG TƯỞNG TƯỢNG CỦA BẠN: “HEGUOZI GONGFANG” TRONG KHU MUA SẮM GONGGUAN

NHÀ HÀNG VIỆT NAM MANG PHONG CÁCH HOÀN TOÀN KHÁC TRONG TƯỞNG TƯỢNG CỦA BẠN: “HEGUOZI GONGFANG” TRONG KHU MUA SẮM GONGGUAN

Biên dịch tiếng Việt do “VIPT JOB VIỆT NAM” cung cấp.
Bài báo này còn có bản tiếng Trung, mời xem tại đây: https://mpark.news/2016/12/23/1953/

Bài viết: Ubi Jalar (Khoai lang Indonesia)
Hình ảnh: Chị Nguyễn Thanh Hoa cung cấp
Dịch: Khắc Thị Trang

Hôm đó là một ngày trời âm u, mưa gió rả rích, nhưng khi bước vào nhà hàng “Heguozi gongfang Hotnut” thì ngay lập tức mọi sự u ám dường như đều tan biến, thu vào tầm mắt đó là hình ảnh các loại hạt nằm trên giá gỗ. Dưới ánh đèn vàng ấm áp có thêm sự tô điểm của chú sóc bằng vải với tạo hình hoạt hình ngộ nghĩnh. Một bức tranh hài hòa về màu sắc, kết hợp với những giai điệu âm nhạc du dương tạo nên sức sống cho một ngày mới. Nhà hàng này cũng chính là chủ đề chính của câu chuyện ngày hôm nay – nhà hàng do chị Nguyễn Thanh Hoa làm chủ.

Chị Thanh Hoa là tên thân mật mà chúng tôi thường gọi chị. Đến từ thủ đô Hà Nội, học tập một trường đại học ở Hà Nội chuyên ngành quản lý, chị Thanh Hoa khi ấy đăng ký chương trình liên kết quốc tế 1+3: năm đầu tiên học ở Việt Nam, 3 năm tiếp theo đến Đài Loan học tập, học xong 4 năm có thể lấy bằng. Vì vậy, chị Hoa trở thành thế hệ du học sinh đầu tiên đến Đài Loan.

“Heguozi Gongfang” và người sáng lập – chị Nguyễn Thanh Hoa, vốn là một thạc sĩ, về sau kết hôn và định cư ở Đài Loan, trở thành một Tân di dân (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

 

Nhớ lại khi còn ở Việt Nam, nhà chị ở Hà Nội, kỷ niệm khó quên nhất đó chính là khi còn nhỏ, mỗi khi tết đến, chị thường về quê nội ở quận Hoàng Mai, dưới quê có một mảnh đất lớn trồng rất nhiều nhãn và vải. Còn quê ngoại ở Thái Bình, cách Hà Nội 4 giờ đi xe. Vì vậy chị Hoa từ nhỏ đã rất thích làm bạn với thiên nhiên.

Năm 2005, khi ấy chị Hoa chưa đầy 20 tuổi đã cùng một nhóm bạn học đến Đại học Khoa học và Kỹ thuật Vân Lâm, miền trung Đài Loan để học chương trình đại học. Khi ấy đúng vào thời điểm nghỉ hè, trường không một bóng người. Chị bất chợt cảm nhận sự cô đơn nơi đất khách và một nỗi niềm nhớ quê da diết. Thế nhưng, chị cũng rất cảm ơn những ngày tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Vân Lâm, chị cảm thấy học tập ở đây đã giúp chị được mở rộng trí tưởng tượng và ý tưởng của mình.

Trong khoảng thời gian đại học, một mặt chị học tốt tiếng Hoa, mặt khác chị cũng tham gia các hội nhóm dành cho sinh viên quốc tế. Chị tham gia tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam như giao lưu văn hóa và ngôn ngữ, biểu diễn ca hát và nhảy múa, hay các hoạt động ẩm thực… Trong một lần giao lưu du học sinh giữa các trường đại học ở Đài Loan, Chị Hoa đã gặp gỡ người bạn đời của mình, lúc ấy vẫn đang theo học tại trường Đại học Y dược Dương Minh. Cả hai đều ở Hà Nội, khoảng cách hai nhà tương đối gần, thế nhưng phải vượt qua đại dương đến Đài Loan mới quen biết nhau, thế nên hai người càng trân trọng mối nhân duyên này.

Sau khi lấy được tấm bằng đại học, chị Hoa lại tiếp tục theo học khóa thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Khoa học Quốc tế Vân Lâm. Trong khoảng thời gian này, chị cũng làm thêm một số công việc liên quan đến dịch thuật và dạy văn hóa. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, chị đến Đài Bắc làm công việc truyền thông tại đài truyền hình dành cho người Hoa. Khi ấy công ty chị kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, như bán đầu thu phát dạy tiếng Việt, bên cạnh đó cũng hướng đến đối tượng người lao động nước ngoài tại Đài Loan để đưa vào tiết mục truyền hình tiếng Việt.

Mặc dù chị Hoa thích ứng rất tốt với cuộc sống ở đây, thế nhưng có một việc khiến chị luôn cảm thấy rất trăn trở từ khi đến Đài Loan đến nay, đó chính là khi người Đài Loan lần đầu biết chị là người Việt, luôn hỏi rằng chị đến Đài Loan để kết hôn hay làm việc, mà không phải là đến du học. Hơn nữa tình huống này cũng không phải là ít, đa số mọi người đều có chung câu hỏi như thế, khiến chị cảm thấy không được vui. Ngoài ra, khi còn học ở Vân Lâm, chị cũng gặp rất nhiều chị em đồng hương người Việt. Họ ban đầu nghĩ rằng đến Đài Loan kết hôn sẽ có cuộc sống hạnh phúc, thế nhưng do chồng lâm bệnh, qua đời, nên phải một thân một mình gánh vác gia đình, đối diện với những khó khăn và thách thức. Những người di dân mới thường chỉ có thể một mình cam chịu trong im lặng. Vì vậy, tâm nguyện lớn nhất của chị Hoa đó chính là sử dụng sức lực của bản thân mình giúp càng nhiều người Đài Loan thấu hiểu và biết thêm về văn hóa Việt Nam.

Lối đi bên trong “Heguozi Gongfang” lối đi được trang trí tao nhã và ấm áp, hoàn toàn thay đổi cảm nhận của mọi người về quán ăn Việt Nam. (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

Lối đi bên trong “Heguozi Gongfang” lối đi được trang trí tao nhã và ấm áp, hoàn toàn thay đổi cảm nhận của mọi người về quán ăn Việt Nam. (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

 

Hiện tại chị Hoa đã công tác tại Trường Đại học kỹ thuật Ming Chi được 3 năm, bên cạnh đó chị cũng dạy tại các trường như trường Cao đẳng Cảnh sát, Đại học Fu Jen, trường Trung học Chung Hsing, trường Trung học Shulin… Ngoài ra, chị cũng thường đến các trường cấp 2 tổ chức các khóa học trải nghiệm văn hóa, thậm chí chị còn mở một số lớp học trực tuyến dành cho các trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa, thiết kế các khóa học chào hỏi căn bản, các hoạt động vui chơi ca hát.

Ngoài dạy tiếng Việt, chị Hoa cũng rất quan tâm đến việc giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam. Do từ nhỏ gia đình chị đã kinh doanh ngành ẩm thực, ngày ngày được tiếp xúc, chị đã học được không ít kỹ thuật nấu nướng từ mẹ. Để giúp nhiều người Đài Loan biết đến ẩm thực Việt Nam, chị đã hùn vốn với vài người bạn đồng nghiệp cũ mở một nhà hàng Nam Dương “Heguozi Gongfang” bên cạnh khu mua sắm Gongguan. Ngoài việc mang đến các món ăn hương vị Hà Nội mà ở Đài Loan ít thấy, chị cũng giới thiệu các món ăn Thái Lan, Malaysia và các nước khác nhau, phục vụ nhu cầu những thực khách thích thưởng thức ẩm thực các nước trên thế giới.

Ngoài ra, theo quan sát của chị, các loại hạt khô ở Việt Nam rất nổi tiếng, những doanh nhân Đài Loan từ Việt Nam về thường mua các loại hạt này về làm quà tặng. Chính vì thế chị đã nghĩ ra việc giới thiệu các loại hạt khô của Việt Nam đến thị trường Đài Loan, một mặt có thể giúp người nông dân Việt Nam, mặt khác có thể giúp tăng cường sức khỏe cho người Đài Loan. Không chỉ như thế, do nhà có trồng nhãn nên chị cũng nhập khẩu nhãn khô sang. So với nhãn khô guiyuan của Đài Loan, nhãn khô Việt Nam không có hạt. Bên cạnh nhãn, còn có hạt sen, me, gấc… là những loại thực phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe mà nhà hàng muốn giới thiệu đến thực khách.

Thế nhưng theo lời chị Hoa, việc mở nhà hàng cũng gặp không ít khó khăn. Từ lúc bắt đầu tìm địa điểm mở quán, tính toán tiền thuê mặt bằng, trang trí cửa tiệm, mỗi bước đi đều phải suy nghĩ thật kỹ. Việc lựa chọn địa điểm bên cạnh khu mua sắm Gongguan, ngoài khách hàng là học sinh, tiệm của chị cũng thu hút không ít đối tượng khách hàng là những người đi làm và những người dân sống quanh đó. Lúc mới mở quán, chị Hoa cảm thấy vấn đề khó khăn nhất chính là vấn đề trao đổi với nhân viên. Ví dụ như ban đầu đầu bếp người Đài không thấu hiểu ẩm thực Việt Nam, nhân viên phục vụ bên ngoài và bên trong bếp kết hợp cũng không ăn ý, vì vậy phải thường xuyên tập hợp mọi người lại thảo luận mới có thể đạt đến mục tiêu gìn giữ hương vị Việt Nam. Ngoài ra, các món ăn trên thực đơn thường là các món làm thủ công nên thời gian ra món phải phối hợp chuẩn xác, bên cạnh đó phải chú ý đến độ tươi của món ăn. Ngoài việc thứ hai chợ không bán và cần  phải chuẩn bị nguyên liệu trước 1 ngày, thì những ngày khác nhà hàng đều mua nguyên liệu và nấu trong ngày, tất cả đều vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho thực khách.

Mặc dù nhà hàng được trang trí giống một quán café nhưng “Heguozi Gongfang” lại bán các món ăn Việt Nam rất ngon (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

Mặc dù nhà hàng được trang trí giống quán café nhưng “Heguozi Gongfang” lại bán các món ăn Việt Nam rất ngon (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

Mặc dù nhà hàng được trang trí giống quán café nhưng “Heguozi Gongfang” lại bán các món ăn Việt Nam rất ngon (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

 

Sau một thời gian chấn chỉnh, hiện tại trong việc phân công nhân viên, việc nấu ăn, làm món salad, món canh và bánh mì, mỗi một món đều do một vị đầu bếp khác nhau đảm nhận. Chị Hoa nói, hy vọng trong tương lai có thể có thêm nhiều các vật dụng liên quan đến Đông Nam Á như tranh ảnh, đồ thủ công mỹ nghệ, sách báo, tạp chí. Bên cạnh đó, còn có thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, giúp thực khách có thể hiểu rõ thêm về văn hóa các nước Đông Nam Á.

Sau khi phỏng vấn xong, chúng tôi cũng có hỏi chị Hoa về cuộc sống gia đình. Hiện tại chồng chị đang công tác tại bệnh viện của Viện Y học Đài Bắc. Việc nuôi dạy hai đứa con đều chủ yếu do chị phụ trách. Chị Hoa không những để các con học tiếng Hoa để hòa nhập xã hội, mà còn thường giao tiếp với các con bằng tiếng Việt từ lúc các cháu bập bẹ biết nói. Chị phát hiện càng cho con tiếp xúc sớm với môi trường ngôn ngữ thì khả năng tiếp thu của các cháu sẽ tốt hơn, hơn nữa các cháu sẽ không cảm thấy áp lực. Vì thế chị cũng khuyên các bà mẹ di dân mới phải thường xuyên giao tiếp với con cái bằng tiếng Việt.

Mỗi vị khách đến nhà hàng đều có thể lấy một hộp các loại hạt khô đặt trên bàn để làm món điểm tâm. (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

Món sinh tố mang phong cách Nam Dương tại “Hegouzi Gongfang”, hương vị rất đặc biệt. (Ảnh do chị Thanh Hoa cung cấp)

 

Thông tin nhà hàng “Heguozi Gongfang”

Địa chỉ: lầu 1 số 5-1 hẻm 76, đường Xinshengnan Sanduan, khu Da’an, thành phố Đài Bắc 台北市大安區新生南路三段76巷5-1號1樓 (nhà hàng nằm trong hẻm gần tiệm “Taiyi Niunai Dawang” 位於「臺一牛奶大王」附近的巷內)
Điện thoại: (02) 2369-5899

發佈留言